5 nguyên nhân gây mòn lốp ô tô

Độ căng, độ nghiêng, độ chụm bánh xe và linh kiện hệ thống treo có liên quan đến việc lốp ô tô bị mòn.

Hầu hết người lái xe ô tô đều nhận thức rõ rằng lốp xe đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì độ bám đường. Lốp xe có thể truyền mô-men xoắn đến bất kỳ bề mặt nhất định nào đồng thời ngăn chặn tình trạng xe bị trượt bất ngờ gây nguy hiểm.

Thật không may, lốp xe sẽ bị mòn theo thời gian khiến chúng ta phải mua các loại lốp thay thế có cấu tạo tương tự. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, lốp xe ô tô có thể mòn bất thường. Một trong những dạng mòn lốp phổ biến nhất là xuất hiện tình trạng mòn dọc theo mép ngoài của gai lốp.

Mòn lốp không chỉ là vấn đề đơn giản mà còn có xu hướng trở nên trầm trọng hơn và gây tốn kém. Bây giờ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về các nguyên nhân khác nhau gây mòn lốp cũng như cách giải quyết các vấn đề đó.

Các nguyên nhân gây mòn lốp phổ biến

1. Lốp không đủ căng

Thường xuyên sử dụng lốp ô tô không đủ độ căng sẽ dẫn đến tình trạng nhanh mòn dọc theo các mép ngoài của gai lốp. Điều này là do gai lốp phải chịu thêm áp lực khi vận hành ở trạng thái chưa đủ căng.

Tương tự như vậy, mép trong của lốp chưa được bơm căng thường cũng sẽ có dấu hiệu bị mòn nhanh chóng. Tình trạng này có thể được khắc phục bằng cách bơm lốp xe đúng áp suất mà nhà sản xuất ô tô khuyên dùng.

2. Bánh xe quá nghiêng

Thuật ngữ “Góc camber” mô tả độ nghiêng vào trong/ra ngoài của lốp xe so với trục thẳng đứng. Thực tế, góc camber quá lệch có thể dẫn đến mòn lốp không đều và lốp nhanh mòn cạnh trong/ngoài.

Trong phần lớn các trường hợp, tình trạng này có thể được khắc phục bằng cách căn chỉnh đơn giản bằng máy chuyên dụng. Bên cạnh đó, còn có một cách khác là đảo lốp xe (hoán đổi vị trí lốp) để hạn chế sự mòn lốp bất thường.

3. Độ chụm bánh xe không đúng

Độ chụm bánh xe là khoảng cách giữa hai má lốp trên cùng một trục của xe. Độ chụm không đúng có thể dẫn đến nhiều vấn đề, bao gồm mòn lốp nhanh và không đều. Trong nhiều trường hợp, độ mòn này thường được quan sát thấy rõ nhất dọc theo mép lốp.

Để khắc phục tình trạng này, chúng ta cần đưa xe cho thợ có tay nghề căn chỉnh để tránh bị mòn lốp thêm. Ngoài ra, nếu lốp chưa mòn đến mức phải thay thế, bạn có thể hoán đổi vị trí của lốp bị ảnh hưởng và không ảnh hưởng.

4. Mòn linh kiện hệ thống treo

Trong một số trường hợp nhất định, các bộ phận của hệ thống treo bị mòn cũng có thể khiến lốp xe bị mòn quá mức dọc theo mép của gai lốp. Để khắc phục, người dùng phải thay thế bộ phận hệ thống treo bị mòn hoặc bị tổn hại, chẳng hạn như giảm xóc và thanh chống.

5. Hư hỏng bộ phận xe

Lốp mòn bất thường cũng có thể do hư hỏng một hoặc nhiều bộ phận lái hoặc hệ thống quan trọng của xe. Trong một số trường hợp nhất định, đánh xe lên vỉa hè ở tốc độ cao cũng có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho các bộ phận lái và hệ thống treo của xe.

Hư hỏng đối với các bộ phận lái và hệ thống treo của xe cũng có thể do kéo vật quá nặng trên rơ-moóc, lái xe off-road thường xuyên hoặc lắp đặt các bộ phận phía trước không đúng cách.

Bất kể nguyên nhân là gì, bộ phận lái và hệ thống treo bị hỏng đều phải được thay thế để bảo vệ lốp cũng như đảm bảo an toàn cho người trong xe.

Có an toàn không khi lái xe với lốp bị mòn bất thường?

Điều này phần lớn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của độ mòn. Nếu hiện tượng mòn lốp không đều mới chỉ bắt đầu, chúng ta vẫn có thể lái xe sau khi đổi vị trí giữa các lốp. Tất nhiên, nguyên nhân gốc rễ của sự hao mòn bất thường này cũng phải được sửa chữa.

Mặt khác, nếu lốp có biểu hiện bị mòn đáng kể ở mép ngoài và ảnh hưởng tới cấu trúc lốp thì chúng ta phải ngừng sử dụng lốp này ngay lập tức. Lốp bị mòn không đều có thể có nguy cơ bị nổ lốp và gây ra tai nạn.

Chính vì vậy, lái xe bằng lốp bị mòn bất thường có thể cực kỳ nguy hiểm. Do đó, chăm sóc và bảo dưỡng lốp xe ô tô định kỳ là việc quan trọng hàng đầu vì liên quan đến tính mạng con người. Nếu nghi ngờ lốp bị mòn bất thường, tốt hơn hết là chúng ta nên ngừng sử dụng lốp đó còn hơn là mạo hiểm sự an toàn của mình và gia đình.