Chuyến tàu chở theo 999 chiếc VinFast VF 8 trên đường tới Mỹ sẽ đi qua hành trình mà nhiều thương hiệu xe quốc tế với mong muốn quốc tế hóa từng thực hiện.
Mỹ – thị trường xe lớn thứ 2 toàn cầu ở thời điểm hiện tại trong quá khứ từng nắm giữ vị trí số 1 trong quá khứ và là giấc mơ buộc phải theo đuổi của bất cứ thương hiệu nào có tham vọng nâng tầm lên quy mô toàn cầu.
Toyota – hãng xe số 1 thế giới hiện tại cũng là một cái tên như vậy. Vào những năm 1950, họ vẫn đơn thuần chỉ là một thương hiệu xe Nhật hàng đầu. Mỹ là mục tiêu cần được chinh phục hàng đầu nếu hãng muốn mở rộng tầm ảnh hưởng sang các thị trường phương Tây.
Toyota khởi đầu nhỏ với hành trình xuất khẩu xe thử nghiệm vào 1951 sang Okinawa – khi đó vẫn bị kiểm soát bởi Mỹ và sau đó là Brazil vào 1952. Thành công và cả những thất bại ban đầu giúp hãng sẵn sàng cho công đoạn chinh chiến tại Mỹ – quốc gia nơi ô tô du lịch đang chứng kiến doanh số bùng nổ vào đầu thập niên 1950.
Những chiếc xe Toyota đầu tiên hướng từ Nhật tới Mỹ là 2 chiếc Crown xuất cảng Yokohama vào 25-8-1957 dưới dạng xe mẫu. Tới 20-6-1958, lô 30 chiếc Toyota Crown thương mại đầu tiên cập cảng Los Angeles. Tuy nhiên, rắc rối kỹ thuật xoay quanh những lô xe ban đầu xuất xưởng sang Mỹ buộc Toyota ngừng xuất khẩu tiếp xe sang Mỹ cho tới tận 1965 với chiếc Corona khởi động lại quá trình trên.
2 thương hiệu Hàn Quốc là Hyundai và Kia cũng khởi đầu “giấc mơ Mỹ” của mình qua đường biển nhưng chậm hơn Toyota khá nhiều. Hyundai xuất khẩu mẫu xe đầu tiên của mình sang Mỹ là Pony Excel bằng đường biển vào tháng 1-1986.
Dòng tên này sau đó bán được 160.000 xe chỉ trong một năm và lọt vào danh sách 10 sản phẩm tốt nhất do tờ Fortune danh tiếng bình chọn, tuy nhiên chất lượng xe không ổn nhanh chóng bị bóc trần khiến cái tên này phải sớm rời cuộc chơi thay thế cho các dòng xe mới hơn chẳng hạn Elantra.
Kia tham gia cuộc chơi tại Mỹ còn muộn hơn thế. Chiếc tàu chở hàng đầu tiên của họ hướng tới đất Mỹ xuất phát tại cảng Incheon vào 1994 chở theo SUV Sportage. Tương tự Hyundai, Kia bị đánh giá là có xe giá phổ thông với chất lượng kém – định kiến phải tới những năm gần đây mới được 2 thương hiệu Hàn Quốc phá bỏ.
Điểm chung của 3 hãng xe lớn đã từng vượt biển tham chiến thị trường xe Mỹ là đều gặp khó khăn, thậm chí là cực kỳ khó khăn trong giai đoạn đầu như Kia hay Toyota. Tuy vậy, sau nhiều năm kiên trì tăng trưởng, giờ họ đều là những thế lực thực sự tại Mỹ với Toyota là tập đoàn xe có doanh số đứng đầu, vượt cả tập đoàn bản địa GM hay Hyundai – Kia là tập đoàn sở hữu doanh số xe điện số 2 khu vực chỉ sau ông vua xe điện toàn cầu Tesla.
Trong tuần trước, thương hiệu xe Việt Nam cũng đã khởi động “giấc mơ Mỹ” của riêng mình với chiếc tàu chở 999 chiếc VinFast VF 8 vượt biển sang Mỹ. Lần đầu tiên có một mẫu xe Việt tiến ra thế giới trong sự đón đợi của người dùng toàn cầu.
Con tàu Silver Queen được VinFast thuê riêng và in lên thân tàu dòng chữ VINFAST lớn. Trên chiếc tàu này chỉ chở những chiếc VinFast VF 8 thẳng tới Mỹ. Trong suốt hành trình từ Việt Nam sang Mỹ, tàu chỉ dừng lại tiếp nhiên liệu.
Thách thức cho VinFast, so với những người đi trước, hứa hẹn sẽ còn khó khăn gấp bội khi tính cạnh tranh trên thị trường ngày nay đã cao hơn đáng kể, tuy nhiên cơ hội cũng không phải là không có khi xe điện vẫn là một phân khúc “mới” và vẫn có thể khai thác. Liệu thương hiệu thuộc tập đoàn Vingroup có thể vượt qua khó khăn ban đầu và chinh phục người tiêu dùng ở một miền đất mới như những cái tên đã từng vượt biển trước đây?