Tại Điều 49 dự thảo Luật Đường bộ quy định về bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT & BVMT) của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ, Bộ GTVT quy định: xe ô tô; rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô; xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ; xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự khi tham gia giao thông đường bộ phải được kiểm tra ATKT & BVMT (hay còn gọi là kiểm định).
Trường hợp các xe không tham gia giao thông đường bộ, nếu có nhu cầu có thể đề nghị được kiểm định.
Xe cơ giới kiểm định đạt yêu cầu được cấp Giấy chứng nhận kiểm định ATKT & BVMT, tem kiểm định. Trường hợp xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe hoạt động trong phạm vi hạn chế, xe không được phép tham gia giao thông, xe không có nhu cầu tham gia giao thông thì không cấp tem kiểm định.
>> Xem thêm:
- Các tính năng hữu ích cho tài xế vào mùa mưa
- Cách nhìn khói bắt bệnh ô tô
- Dùng nước mưa để rửa xe – quan niệm sai lầm của tài xế
Xe cơ giới nếu có giấy tờ về chứng nhận ATKT & BVMT của cơ quan đăng kiểm phương tiện hoặc phiếu (hoặc giấy chứng nhận) kiểm tra xuất xưởng của nhà sản xuất trong trường hợp có nhu cầu di chuyển từ địa điểm sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kho, cảng, cửa hàng về địa điểm cần thiết hoặc để xuất khẩu sẽ không phải kiểm định.
Dự thảo Luật Đường bộ cũng quy định: Trong quá trình nghiên cứu phát triển, hoàn thiện sản phẩm nếu có nhu cầu cho xe cơ giới tham gia giao thông, cơ sở sản xuất phải tuân thủ các quy định như: Bảo đảm về tính năng an toàn, chạy thử nội bộ, phạm vi hoạt động, thời gian hoạt động và phương án bảo đảm an toàn tham gia giao thông theo quy định của bộ trưởng Bộ GTVT; đăng ký, cấp biển số tạm thời theo quy định của bộ trưởng Bộ Công an.
Ngoài ra, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông.